1381 - 22/10/2020, 4:59

Thư thông báo và khuyến cáo từ đại diện ADA Việt Nam

Ngày 19/10/2020 trên Fanpage chính thức của đại diện ADA tại Việt Nam có đưa ra thông báo về một số cá nhân tổ chức tại Việt Nam đang sử dụng thương hiệu của ADA mà chưa được cho phép! Ảnh hưởng đến quyền lợi cũng như hình ảnh của ADA.

Nội dung thư:

“Thư thông báo và khuyến cáo”

ADA Japan đã đăng ký sở hữu công nghiệp, nhãn hiệu (logo) tại Việt Nam và đã được Cục Sở Hữu Trí Tuệ Việt Nam cấp bằng bảo hộ đối với nhãn hiệu (logo) ADA từ năm 2018. Gần đây, ADA Japan phát hiện có một số cá nhân/doanh nghiệp khác đang sử dụng logo rất giống với nhãn hiệu (logo) của công ty chúng tôi.

Việc người thứ ba sử dụng các sáng chế, nhãn hiệu (logo), kiểu dáng công nghiệp đang trong thời hạn bảo hộ và trong lãnh thổ bảo hộ (Việt Nam) mà không được phép của người nắm giữ bản quyền là ADA Japan nhằm mục đích kinh doanh và không thuộc các trường hợp loại trừ, thì bị coi là xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Người thứ ba, được hiểu là bất cứ ai ngoài người nắm giữ quyền sở hữu trí tuệ ra, kể cả tổ chức cá nhân trong nước và nước ngoài. Việc sử dụng các đối tượng trên đây bất chấp là cố ý hay vô ý nhằm mục đích kinh doanh (kiếm lời) mà không có sự cho phép của người chủ sở hữu hay người được chủ sở hữu ủy quyền sử dụng đối tượng thông qua hợp đồng li xăng.

Hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu (logo) ADA là các “hành vi sao chép, làm giả, sử dụng trái phép toàn bộ hoặc một phần các yếu tố chính của nhãn hiệu đang được cấp giấy chứng nhận bảo hộ” gồm có:

* Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hóa, dịch vụ trùng với hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục đăng kí kèm theo nhãn hiệu đó.
** Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hóa, dịch vụ tương tự hoặc liên quan tới hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục đăng kí kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa, dịch vụ.
*** Sử dụng dấu hiệu tương tự với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hóa, dịch vụ trùng, tương tự hoặc liên quan tới hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa, dịch vụ.

Thông báo này thay cho thư cảnh báo. Để giải quyết, phía ADA Japan yêu cầu các cá nhân / doanh nghiệp phải chấm dứt hành vi vi phạm, và việc sử dụng bất hợp pháp các nhãn hiệu của ADA. Đồng thời chấm dứt việc bán hàng giả mạo nhãn hiệu ADA. Nếu chủ thể vi phạm không chịu chấm dứt hành vi vi phạm, vẫn tiếp tục thực hiện hành vi xâm phạm thì chúng tôi sẽ tiến hành nộp yêu cầu xử lý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tới cơ quan chức năng để yêu cầu cơ quan chức năng tiến hành xử lý.

Đại diện pháp lý trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) tại Việt Nam của ADA

Thư thông báo và khuyến cáo từ đại diện ADA Việt Nam

Vậy với căn cứ pháp lý từ ADA thì nếu cá nhân tổ chức đang bị vi phạm thì sẽ bị xử phạt và xử lý như thế nào:

Theo tìm hiểu từ Thuysinhvn.org dựa vào Điều 30 Nghị định 119/2017/NĐ-CP có quy định như sau:

Mục 3. VI PHẠM QUY ĐỊNH VỀ NHÃN HÀNG HÓA VÀ MÃ SỐ MÃ VẠCH

Điều 30. Vi phạm quy định về ghi nhãn hàng hóa trong kinh doanh sản phẩm, hàng hóa

1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị đến 5.000.000 đồng:

a) Hàng hóa có nhãn hàng hóa nhưng bị che lấp, rách nát, mờ không đọc được hoặc không đọc được hết các nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa;

b) Hàng hóa có nhãn ghi không đúng quy định về kích thước chữ và số, ngôn ngữ sử dụng, định lượng và đơn vị đo theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa.

2. Mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 5.000.000 đồng được quy định như sau:

a) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng;

b) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng;

c) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng;

d) Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng;

đ) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng;

e) Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng;

g) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị trên 100.000.000 đồng.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc thu hồi sản phẩm, hàng hóa đối với vi phạm quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này

Để tìm hiểu thêm thông tin mời các bạn tìm hiểu thêm về Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 và Nghị định 119/2017/NĐ-CP

 

Hi vọng những thông tin trên có thể giúp các bạn tránh gặp phải các vi phạm ngoài ý muốn!

 

ThuysinhvnAdmin